Banner
Banner dưới menu

''Phát huy khả năng sáng tạo, sự đam mê và nhiệt huyết với công việc của chị em''

(Cập nhật: 25/10/2021)

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thuý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng giải pháp, kỹ thuật mới vào điều trị. Không chỉ vậy, từ khi còn công tác ở Khoa Hồi sức tích cực -Thận nhân tạo, chị đã cùng đồng nghiệp đưa nhiều đề tài vào ứng dụng trong thực tế.

Một trong số đó là đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy trong điều trị bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn hô hấp”, đưa lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Không chỉ vậy, chị còn động viên thúc đẩy nghiên cứu khoa học đặc biệt phát huy vai trò của nữ bác sĩ.


Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thuý.

PV Trung tâm Truyền thông tỉnh có buổi trò chuyện cùng bác sĩ Đặng Thị Thúy về ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy trong điều trị bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn hô hấp, đề tài đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7, được ghi vào Sách vàng sáng tạo Việt năm 2020.

Bác sĩ Thuý chia sẻ: Ngừng tuần hoàn hô hấp rất phổ biến xảy ra ở nhiều biến cố, nhiều bệnh trong đời sống hàng ngày. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê khoa học, phần lớn các trường hợp ngưng tim xảy ra ở ngoài bệnh viện, tỷ lệ sống sót rất thấp, chỉ là 8%.

Các nghiên cứu đã chứng minh hạ thân nhiệt chỉ huy là phương thức điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, tỷ lệ sống sót có thể tăng lên 49-55%. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đưa kỹ thuật này vào triển khai điều trị năm 2018 và trở thành thường quy sau đó.

Cho đến nay đã áp dụng kỹ thuật này cho nhiều bệnh nhân và cho kết quả hết sức tích cực. Các trường hợp được cứu sống đều hồi phục chức năng thần kinh rất tốt, số ít có di chứng vì khi đến bệnh viện đã vượt quá “khung giờ vàng” cho điều trị.

- Vậy xin chị chia sẻ cho độc giả biết, cơ duyên nào chị và nhóm thực hiện đề tài có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận kỹ thuật này?

+ Đây là một kỹ thuật ưu việt, giúp cứu sống nhiều người. Hạ thân nhiệt chỉ huy hay còn được gọi là hạ thân nhiệt chủ động, dễ hiểu nhất là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân một cách chủ động, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân sẽ xuống dưới mức nhiệt độ sinh lý bình thường để thuận lợi trong điều trị, tránh di chứng.

Năm 2017, đây là kỹ thuật mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương, điển hình là Bệnh viện Bạch Mai, đem lại hiệu quả cao. Tôi biết đến kỹ thuật này rất tình cờ khi tôi được đồng nghiệp đang học ở Hà Nội chia sẻ.

Là bác sĩ hồi sức, quả thật chúng tôi mừng như “vớ được vàng”… bởi chưa có phương pháp tối ưu, kỹ thuật nào giúp phục hồi, cứu sống người bệnh, không để lại di chứng trong tình trạng bệnh hiểm nghèo.

Điều may mắn là thời điểm đó, lãnh đạo bệnh viện đặc biệt là Giám đốc bệnh viện luôn chú trọng nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị, đem lại lợi ích cao nhất cho bệnh nhân. Vì thế, tháng 3/2018, chúng tôi đã ứng dụng triển khai kỹ thuật này tại bệnh viện tỉnh.


Bác sĩ Thuý (thứ 5 từ trái qua) cùng các đồng nghiệp hội chẩn để điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

- Để đưa một kỹ thuật mới lại là một kỹ thuật có “độ khó” cao triển khai lần đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh bởi những bác sĩ tuyến tỉnh. Chị có lo lắng hoặc nghĩ sẽ thất bại không?

+ Quả thật, xắn tay vào làm mới thấy vô vàn khó khăn. Vì thế, chúng tôi phải nỗ lực vượt bản thân. Một kỹ thuật mới, đầu tiên áp dụng tại một bệnh viện tuyến tỉnh, chúng tôi luôn đối mặt với rất nhiều thách thức. Về chuyên môn, năm 2017, ban đầu nhóm chúng tôi phải “cắm chốt” ở Bệnh viện Bạch Mai nhiều tháng học hỏi, được các thầy hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”, giao làm cụ thể nhiều ca từ bắt đầu kỹ thuật tới kết thúc.

Tuy vậy, khi triển khai về tỉnh, quả thật chúng tôi cũng bị “tâm lý”, phải liên tục hội chẩn, xin ý kiến “online” qua điện thoại tư vấn của các thầy. Dù thành công ở ca điều trị ban đầu, nhưng đến ca sau vẫn run…! (cười). Bởi những quyết định, những thao tác của mình ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người bệnh. Được các thầy động viên, giúp đỡ, thành công những ca tiếp theo khiến chúng tôi càng chắc tay, thêm tự tin.

Chưa hết, khó khăn về thanh quyết toán BHYT, kỹ thuật này có danh mục được hưởng BHYT nhưng chưa được triển khai, thanh toán tại bệnh viện tỉnh. Ngoài các chi phí máy móc, nhân lực, người bệnh phải chi trả cho vật tư tầm 12 triệu đồng cùng nhiều chi phí khác. Đó cũng là một trở ngại… đặc biệt đối với bệnh nhân chưa có điều kiện. Vì thế, không ít lần chúng tôi phải xin lãnh đạo bệnh viện hỗ trợ hoặc kết nối với các “Mạnh thường quân” để giúp đỡ người bệnh, giải quyết vướng mắc về chi phí.

Bắt tay vào làm mới thấy, dù ưu việt, nhưng bất kỳ kỹ thuật mới nào đều phải bước qua được những rào cản ban đầu để ứng dụng thành công.

- Bác sĩ có thể cho biết những lợi ích mà phương pháp này mang lại cho người bệnh?

+ Như đã nói, trong cuộc sống có nhiều biến cố, nhiều bệnh gây ngừng tuần hoàn hô hấp hay ngừng tim như điện giật, đuối nước, nhồi máu cơ tim… Khi đó tất cả các cơ quan trong cơ thể đều bị thiếu máu cục bộ, đặc biệt là não. Một tỷ lệ cao bệnh nhân sau ngừng tim, mặc dù có tuần hoàn tái lập trở lại nhưng đã gây tổn thương đến các cơ quan, đặc biệt gây tổn thương não không hồi phục dẫn đến các di chứng thần kinh nặng nề; nhẹ gây yếu liệt, suy giảm ý thức, động kinh, nặng hơn gây hôn mê, sống thực vật, thậm chí mất não và tử vong, tăng gánh nặng về chi phí điều trị, chăm sóc y tế cho gia đình và xã hội…

Trong hạ thân nhiệt chỉ huy, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng nhiệt độ, nhiệt độ ở đây chính là thuốc. Thân nhiệt bệnh nhân sẽ được đưa xuống mức 33 độ C và nhiệt độ này được duy trì trong một thời gian nhất định. Khi thân nhiệt hạ xuống, não sẽ bớt phù, bớt viêm, cải thiện tình trạng độc tế bào não, tưới máu và cung cấp oxy não tốt hơn, do đó não sẽ được phục hồi nhanh chóng.

Kỹ thuật này hiểu đơn giản là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân, để các bộ phận dễ bị tổn thương được nghỉ ngơi hồi phục, thay vì hoạt động thiếu máu, thiếu oxy… Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi ý thức và vận động tốt hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân phải được hồi sức cấp cứu ngay sau sự cố và đưa vào áp dụng kỹ thuật này tốt nhất ở “khung giờ vàng".

- Như vậy kỹ thuật này là cứu cánh với nhiều bệnh nhân cận kề cái chết. Vậy “khung giờ vàng” bác sĩ nhắc là gì và yếu tố nào ảnh hưởng tới việc cứu sống người bệnh?

+ Sự cố ngừng tim phổi, tuần hoàn xảy ra nhiều trong cuộc sống. Trước hết, bệnh nhân ngừng tuần hoàn phải được cấp cứu hồi sinh tim phổi để có thể tái lập tuần hoàn tự nhiên. Sau đó cần được chuyển tới viện trước 6h sau sự cố ngừng tuần hoàn hô hấp, được coi là “khung giờ vàng”.

Khung giờ vàng ở đây chính là thời gian tốt nhất sau biến cố ngừng tuần hoàn mà bệnh nhân được tiếp cận với kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Thời gian được tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy càng sớm thì kết quả hồi phục chức năng thần kinh càng cao.

- Trong quá trình triển khai, cho đến thời điểm hiện tại, bác sĩ nhớ nhất trường hợp bệnh nhân nào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn mà ứng dụng kỹ thuật này đem lại kết quả khả quan?

+ Đây là một trong những ca khá nặng và cũng là ca đầu tiên của chúng tôi triển khai vào tháng 3/2018, để lại cho tôi và ê-kip những ký ức khó quên nhất. Đó là trường hợp của chị T.H (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) bị hen phế quản, dẫn tới ngừng tuần hoàn, ngừng tim tại nhà.


Bác sĩ Thuý (thứ 6 từ trái sang), chủ nhiệm đề tài nhận giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7, tháng 12/2019.

Sau khi được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, kỹ thuật này được áp dụng hạ thân nhiệt xuống 33 độ để 24h làm lạnh lòng mạch, sau đó làm ấm dần, khôi phục nhiệt độ tới 37 độ. Thật ngoài sức tưởng tượng khi kết thúc kỹ thuật sau 3 ngày điều trị bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn và không để lại di chứng.

Ca tiếp theo đó là một bệnh nhân cao tuổi người Thụy Điển được chuyển đến từ bệnh viện lớn trong thành phố sau ngừng tuần hoàn hô hấp đã cấp cứu thành công do nhồi máu cơ tim, trong tình trạng nguy kịch, đối mặt tử vong. Nhờ cấp cứu kịp thời, nằm trong giờ vàng, mà bệnh nhân cũng được cứu sống.

Trong quá trình tiếp nhận điều trị bệnh nhân chúng tôi cũng có những giờ phút “cân não” để ra quyết định. Ấn tượng nhất có lẽ là một bệnh nhân bị hen, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, được chuyển đến từ tuyến dưới, đã quá giờ vàng. Sau khi hội chẩn mặc dù đã quá giờ vàng và có nhiều bệnh lý kèm theo nhưng bệnh nhân vẫn còn trẻ, nhận định bệnh nhân vẫn còn cơ hội hồi phục, tôi cùng đồng nghiệp khoa Hồi sức vẫn quyết định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cho bệnh nhân.

Kết thúc kỹ thuật, cho ngừng an thần, kết hợp các kỹ thuật khác để điều trị bệnh nhân. Đến ngày thứ ba, bệnh nhân có phản ứng từ từ mở mắt. Đến ngày thứ 5 tiếp tục theo dõi, bệnh nhân mở mắt và hoàn toàn tỉnh táo, cai thở máy ngừng hết các máy móc hỗ trợ sau một tuần và ra viện sau hơn 10 ngày điều trị mà không để lại di chứng dù là nhẹ nhất... và kết quả cuối cùng khi bệnh nhân khỏe mạnh ra viện đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình và của chúng tôi.

- Nghề y cũng đặt ra nhiều áp lực, đặc biệt chuyển sang công tác quản lý còn bận rộn hơn. Vậy chị cân bằng như thế nào?

+ Quả thật áp lực công việc, đặc biệt đứng trước mỗi tình huống xử lý đều chính là sức khoẻ, tính mạng của người bệnh. Vì thế bác sĩ phải thực sự tỉnh táo, cùng đồng nghiệp đưa ra những quyết định chính xác, nhanh nhất để điều trị cho bệnh nhân.

Trong khi đó, tôi cũng là người vợ, người mẹ trong gia đình, phải đảm đương quán xuyến công việc gia đình. Thế nhưng trong công việc, trong những khó khăn thách thức, tôi luôn được gia đình ủng hộ như một hậu phương vững chắc. Các đồng nghiệp cũng sát cánh hỗ trợ tối đa để hoàn thành công việc. Đơn cử như việc triển khai kỹ thuật này tôi được 2 đồng nghiệp nam là bác sĩ Hà Mạnh Hùng và Lê Quang Khương hỗ trợ đắc lực.

- Chuyển sang công tác quản lý, ít có cơ hội làm việc trực tiếp cùng các đồng nghiệp, việc nghiên cứu khoa học cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chị làm gì để "truyền lửa”, phát huy khả năng chuyên môn các đồng nghiệp nữ khác?

+ Khi đảm nhận công tác quản lý, mặc dù bận rộn nhưng lòng đam mê nghề nghiệp nhiều năm nên tôi vẫn tham gia công tác chuyên môn. Tôi cũng tranh thủ thời gian đi buồng hội chẩn cùng các bác sĩ ở các khoa, truyền đạt kinh nghiệm, khả năng chuyên môn, hướng dẫn đào tạo các thế hệ kế cận. Tôi cũng nhận thấy các đồng nghiệp nữ khả năng làm việc, sức chịu đựng không hề thua kém đồng nghiệp nam.

Hơn nữa với cương vị thành viên của Hội đồng Khoa học Bệnh viện, tôi cũng quan tâm hướng dẫn, khuyến khích triển khai các kỹ thuật, các ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học… đặc biệt tạo sân chơi để chị em có thể phát huy hết khả năng sáng tạo, sự đam mê và nhiệt huyết với công việc.

Cùng với sự vào cuộc, đoàn kết chung tay của các đồng nghiệp nam mà các bác sĩ nữ chúng tôi đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật, đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, được áp dụng vào công tác khám chữa bệnh. Điển hình như lần đầu triển khai kỹ thuật lọc máu điều trị bệnh nhân người dân tộc mắc H5N1 năm 2008; triển khai kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong hỗ trợ tim phổi cho bệnh nhân nặng, là kỹ thuật quan trọng trong điều trị Covid-19…

- Xin cám ơn và chúc bác sĩ nhiều sức khoẻ!

(Baoquangninh.com.vn)

(Lượt đọc: 1258)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ