Banner
Banner dưới menu

Phòng chống kháng thuốc

(Cập nhật: 19/11/2021)

Tình trạng kháng thuốc (kháng kháng sinh) đang âm thầm trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe của cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay.

Theo dược sĩ CKI Đàm Thị Lâm, Phó trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Kháng sinh (antibiotics) là những chất kháng khuẩn có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật. Do đó, những thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với bệnh do vi khuẩn gây ra và không có hiệu quả với bệnh do nhiễm vi rút như cảm lạnh, ho, cúm... Bởi vậy, mọi người không dùng kháng sinh khi mắc bệnh do vi rút như cúm, cảm lạnh; không tự mua kháng sinh dùng; khi mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để khám và bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.


Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đang điều trị cho người bệnh.

Tuy nhiên, một số vi khuẩn đã có khả năng kháng các thuốc kháng sinh đã được sử dụng. Những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh do vi khuẩn kháng kháng sinh là những người dễ bị bệnh do nhiễm trùng phổi như cúm, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Covid-19...

Nguyên nhân chính của kháng thuốc là việc kê đơn thuốc không hợp lý, lạm dụng thuốc của bác sĩ; người bệnh tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định và không tuân thủ điều trị...

Thách thức của tình trạng kháng kháng sinh trở thành gánh nặng khổng lồ lên hệ thống y tế, làm tăng thêm bệnh tật, thời gian nằm viện lâu hơn, chi phí y tế cao hơn và tỷ lệ tử vong tăng.

Dược sĩ CKI Đàm Thị Lâm cho biết thêm: Thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập ban quản lý sử dụng kháng sinh và xây dựng các quy định về quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; liên tục tập huấn đào tạo và tham dự hội thảo về sử dụng kháng sinh an toàn hợp lý. Đặc biệt, các bác sĩ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Cùng với đó, chúng tôi đã xây dựng danh mục kháng sinh cần hạn chế sử dụng hay cần phê duyệt trước khi sử dụng, quy trình và phiếu yêu cầu kê đơn kháng sinh, hướng dẫn chuyển kháng sinh đường tiêm/truyền sang đường uống. Đồng thời xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Và giám sát việc kê đơn kháng sinh của bác sĩ, nghiên cứu phân tích tình hình sử dụng kháng sinh tại các khoa lâm sàng.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý, ngành Y tế Quảng Ninh đã và đang triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 của Bộ Y tế. Ngành cũng đã áp dụng phần mềm quản lý nhà thuốc, kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia, với sự tham gia của 100% cơ sở kinh doanh thuốc (trên 700 cơ sở) trên địa bàn tỉnh.

Việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc không chỉ kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn, mà còn góp phần kiểm soát giá thuốc, việc thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc.


Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh uống thuốc. 

Tuy nhiên, việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở kinh doanh thuốc hiện nay vẫn chưa thực sự nghiêm túc; hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu tại các cơ sở kinh doanh thuốc hoạt động không thường xuyên; việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống Dược quốc gia của các cơ sở đang thực hiện vẫn còn mang tính đối phó; tình trạng thuốc phải bán theo đơn nhưng không có đơn vẫn bán...

Do vậy, các địa phương, các ngành chức năng, trong đó là ngành Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông và kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn tại các cơ sở kinh doanh thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn về lợi ích của việc thực hiện kết nối, sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động kinh doanh của các cơ sở cung ứng thuốc. Nếu không thực hiện quyết liệt thì người dân và ngành Y tế sẽ chịu hậu quả nặng nề do tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh như hiện nay.

Tuần lễ Nâng cao nhận thức về thuốc kháng sinh trên toàn Thế giới (World Antibiotic Awareness Week -WAAW) nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tình trạng kháng kháng sinh toàn cầu và khuyến khích các thực hành tốt nhất trong cộng đồng, nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách để tránh sự xuất hiện và lan rộng hơn nữa của tình trạng kháng kháng sinh trong tương lai.

Năm 2021, Bộ Y tế kêu gọi các đơn vị tham gia hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức y tế Thế giới phát động từ ngày 18/11/2021 đến ngày 24/11/2021 với chủ đề là "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm"

 

(Baoquangninh.com.vn)

(Lượt đọc: 1346)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ