Banner
Banner dưới menu

Nút mạch điều trị dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải ''khổng lồ'' hiếm gặp

(Cập nhật: 4/12/2023)

Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) thận là bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán chính xác trên siêu âm nên thường phát hiện muộn. Mới đây, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã can thiệp nút mạch thành công cho một nam bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải có ổ phình lớn, kích thước gấp 10 lần bình thường, dọa vỡ nguy hiểm, giúp người bệnh tránh cuộc mổ cắt thận nặng nề.

Bệnh nhân là N.Đ.T (47 tuổi) ở huyện Vân Đồn, cách đây khoảng 2 năm xuất hiện triệu chứng đau tức vùng thắt lưng, đi khám nhiều nơi với chẩn đoán bệnh không rõ ràng. Thời gian gần đây, những cơn đau quặn thắt lưng lan vùng ngực dày đặc và dữ dội hơn, đặc biệt là khi lao động, đi lại nhiều. Qua siêu âm nghi ngờ dị dạng động mạch thận, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch thận đánh giá thêm. Kết quả cho thấy hình ảnh các mạch máu giãn ngoằn nghèo trong xoang thận kèm túi phình kích thước 21x22mm, tĩnh mạch thận phải giãn rộng.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) thận phải. Hội chẩn liên khoa Ngoại, Chẩn đoán hình ảnh đánh giá AVM thận phải có túi phình kích thước lớn gấp 10 lần so với bình thường, dọa vỡ nguy hiểm, các bác sĩ quyết định can thiệp nút mạch điều trị khối dị dạng thông động tĩnh mạch thận để tránh biến chứng vỡ mạch khó lường, nguy cơ sốc mất máu, đe dọa tính mạng người bệnh.


Hình ảnh dị dạng thông động tĩnh mạch thận của bệnh nhân T. qua phim chụp CLVT

Kíp can thiệp khoa Chẩn đoán hình ảnh do bác sĩ.CKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa phụ trách cùng bác sĩ, kỹ thuật viên trong khoa thực hiện. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền 2 bình diện (DSA), kíp can thiệp tiến hành chụp mạch để xác định chính xác vị trí khối dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải với ổ phình hình túi đường kính 30mm, có điểm thoát thuốc nhỏ. Sau khi gây tê tại chỗ, các bác sĩ tiến hành luồn một ống thông nhỏ từ động mạch đùi lên đoạn mạch thận dị dạng, tiếp cận túi phình và tiến hành nút mạch bằng vòng xoắn kim loại (Coil). Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy ổ thoát thuốc và khối dị dạng mạch đã được nút tắc hoàn toàn. Ca can thiệp diễn ra thành công thuận lợi trong 30 phút, mạch và huyết áp người bệnh ổn định.

Bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp, không đau đớn. Sau 1 ngày, bệnh nhân đi lại, vận động bình thường, hồi phục nhanh, xuất viện trong thời gian ngắn.


Kíp can thiệp vui mừng sau ca nút mạch AVM thận phải thành công.

Phấn khởi trên giường bệnh, bệnh nhân T. chia sẻ: “Ban đầu đi khám nhiều nơi, cứ nghĩ tôi bị đau do sỏi thận. Về sau khi đau nhiều hơn thì đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới biết chính xác mình bị dị dạng động tĩnh mạch trong thận. Tôi lo lắng lắm, nhiều người khuyên tôi lên Hà Nội chữa trị, nhưng mà tôi vẫn quyết định điều trị tại đây, vì qua đọc báo chí, tin tức cũng biết ở Bệnh viện tỉnh giờ máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi. Ca can thiệp nhẹ nhàng, bác sĩ động viên, hỏi thăm tận tình chu đáo, hơn nữa người nhà chăm sóc cũng thuận tiện, không phải lên tuyến trên chen chúc, đi lại xa xôi vất vả. Đây thực sự là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt của gia đình!”.


Hình ảnh ổ dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải được kíp can thiệp nút tắc hoàn toàn

Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) thận là sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch mà không qua đường mao mạch. Đây là tổn thương hiếm gặp chiếm 0,04% dân số, giai đoạn đầu khó phát hiện qua siêu âm nên bệnh thường chẩn đoán muộn, nhờ sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đai nên tỷ lệ này có xu hướng tăng lên. Trước đây, AVM thận phải thực hiện phẫu thuật cắt thận bán phần hoặc toàn bộ để xử trí ổ dị dạng, tuy nhiên đây là phương pháp rất nặng nề, bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ đau đớn, hồi phục chậm, điều trị kéo dài, gây suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh về sau. Với xu hướng phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn, can thiệp nút mạch ngày càng được áp dụng rộng rãi giúp bảo tồn tối đa nhu mô thận lành, hạn chế thấp nhất biến chứng, bệnh nhân điều trị nhẹ nhàng, không phải trải qua cuộc mổ nặng nề, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị.

Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) ở thận rất hiếm gặp, nếu phẫu thuật sẽ phức tạp, nặng nề. Phương pháp can thiệp nội mạch là xâm lấn tối thiểu nhưng lại cho kết quả tối ưu, bệnh nhân được điều trị nhẹ nhàng, kết quả triệt để. Ca AVM thận của bệnh nhân T. có luồng thông lớn và túi phình mạch trong khối dị dạng đường kính ~30mm, to gấp 10 lần kích thước mạch bình thường, vì vậy việc lựa chọn vật liệu nút mạch cũng như kỹ năng kiểm soát lòng mạch là vô cùng quan trọng, bởi nguy cơ trôi vật liệu nút mạch do luồng thông lớn sẽ gây thuyên tắc các mạch khác trong cơ thể, nguy hiểm nhất là ở các cơ quan như: tim, não và phổi… Chúng tôi đã sử dụng coil để kiểm soát tốt hơn trong quá trình can thiệp, không sợ trôi đi gây tắc mạch. May mắn là khối dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải được loại bỏ hoàn toàn và nhẹ nhàng chỉ sau 30 phút. Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh xử trí một ca AVM thận có túi phình kích thước “khủng” như vậy!”.


Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh thăm khám lại bệnh nhân sau can thiệp

Dị dạng thông động tĩnh mạch thận có thể gây tăng huyết áp do tăng cường máu đến ổ dị dạng, làm giảm tưới máu ngoại vi, lâu dài có thể gây suy tim do tăng cường máu về tim (thường gặp ở những bệnh nhân có dị dạng thông động tĩnh mạch có luồng thông lớn, thông ở nhiều vị trí). Triệu chứng bệnh chủ yếu là bệnh nhân bị đau thắt lưng, nặng hơn là đái ra máu do cục máu đông tắc nghẽn trong đường bài xuất. Đái máu nhiều có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng: đau thắt lưng, tiểu ra máu… nên đi đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương pháp can thiệp nút mạch được triển khai thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã đem lại những lợi ích, hiệu quả tối ưu trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến mạch máu. Cùng với hệ thống máy móc, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhờ khả năng chẩn đoán nhạy bén, chính xác kết hợp phương pháp điều trị khoa học từ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp nút mạch đã giúp nhiều trường hợp hiếm gặp như bệnh nhân T. được điều trị an toàn, hiệu quả bằng phương pháp can thiệp ít xâm lấn tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay.

Việc điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp, hiếm gặp bằng kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chuyên ngành điện quang can thiệp đã ngày càng khẳng định trình độ chuyên môn vững vàng, bài bản cùng khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến, bắt nhịp với xu hướng thế giới của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh nói chung, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh nói riêng, góp phần mang lại chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người dân trên địa bàn./.

Hà Trang, phòng TT&HCQT

(Lượt đọc: 310)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ