Banner
Banner dưới menu

Với chúng tôi, nỗ lực chiến đấu, góp phần cho sức khỏe cộng đồng là một vinh dự

(Cập nhật: 9/3/2022)

Việc triển khai, ứng dụng thành công xét nghiệm Realtime (RT) PCR vào chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm... đã tạo ra nhiều thay đổi, thuận lợi cho người bệnh. Đây là giải pháp được nhóm đề tài của Bệnh viện Đa khoa tỉnh do TS Lê Thùy Mai, Trịnh Văn Mạnh và các cộng sự triển khai thành công từ lâu và được trao giải Ba cho các ý tưởng, đề tài, giải pháp trong Cuộc thi Sáng tạo dịch vụ tỉnh Quảng Ninh tháng 8/2018.

Về sau, xét nghiệm này còn được triển khai rộng rãi trong thực tế ở Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhằm chẩn đoán, giúp điều trị người bệnh Covid-19 và còn mở rộng triển vọng điều trị nhiều bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao khác. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có buổi trò chuyện với TS Lê Thùy Mai (ảnh), Trưởng Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Chia sẻ về đề tài, việc triển khai ra thực tế, TS Lê Thùy Mai kể: Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập 1 đơn nguyên xét nghiệm sinh học phân tử, thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau áp dụng cho các bệnh truyền nhiễm. Trước đây, một số căn bệnh phức tạp, đơn cử như bệnh lao, việc xét nghiệm vi khuẩn theo phương pháp truyền thống là phải nuôi cấy mất 20 ngày cho tới 1 tháng, rất tốn thời gian. Với bệnh nhân mắc viêm gan B, C đều phải lên tuyến trung ương để theo dõi, đáp ứng thuốc định kỳ... rất vất vả, tốn kém.

Trong khi đó, nhờ tiến bộ của y học, xét nghiệm bằng kỹ thuật mới RT PCR chỉ mất từ 4-6h, rất thuận lợi cho điều trị. Vì vậy, việc ứng dụng, triển khai thành công xét nghiệm RT PCR sẽ là "chìa khóa" cho những bệnh phức tạp hoặc những đợt dịch (do các virus như cúm A/H5N1, rubella, sốt xuất huyết...). Nhờ đó, sẽ dễ dàng xử lý, xác định nhanh và sớm các trường hợp nhiễm và kịp thời cách ly, hạn chế lây nhiễm.

RT PCR là một trong các kỹ thuật quan trọng của sinh học phân tử. Đối tượng của sinh học phân tử là các vật chất di truyền hay còn gọi là gen. Nguyên lý của xét nghiệm RT PCR là xác định vật chất di truyền của vi sinh vật bằng các kỹ thuật để khuếch đại tức nhân bản lên để phát hiện được bệnh ở vật chất di truyền đó... Nói dễ hiểu là phản ứng PCR là kỹ thuật để khuếch đại gen nhằm phát hiện bệnh bằng các công nghệ hiện đại, giúp điều trị hiệu quả, giảm việc chuyển tuyến, chi phí cho bệnh nhân. Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này trong phát hiện và hỗ trợ điều trị các bệnh phức tạp là giúp rút ngắn thời gian và độ chính xác đạt trên 99%... Đó chính là ưu điểm, hiệu quả rõ nhất của Đề tài.

- Được biết, quá trình triển khai kỹ thuật này ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh khá sớm. Xin chị cho biết cơ duyên nào đưa chị cùng các đồng sự đến với đề tài này?

+ Năm 2013, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư hệ thống RT PCR, có thể đo tải lượng virus viêm gan B, C và các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh: Lao, lậu, giang mai, HP… Trên thực tế, việc triển khai kỹ thuật này cũng không hẳn là quá sớm, mà là theo kịp xu thế, với sự phát triển y học trong nước và quốc tế.

Xu thế chung của khoa học hiện đại là khoa học bằng chứng, y học cũng là y học bằng chứng. Tức là muốn chẩn đoán hoặc theo dõi điều trị bệnh phải dựa vào bằng chứng khoa học để có những căn cứ áp dụng trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh. Vì thế, sau khi học tập, chuyển giao từ tuyến trên, năm 2013 chúng tôi bắt đầu triển khai xét nghiệm PCR ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đáng mừng là chỉ sau 1 năm nỗ lực không ngừng, chúng tôi đã là đơn vị đầu tiên trong tỉnh làm chủ được kỹ thuật này.

Nhờ triển khai kỹ thuật này, rất nhiều các ca bệnh khó được khám, điều trị, theo dõi tại chỗ. Kế thừa kết quả của phòng xét nghiệm sinh học phân tử, vài năm nay chúng tôi đã triển khai tốt xét nghiệm sàng lọc virus Corona. Năm 2020, khi mới có dịch Covid-19, Bệnh viện đã triển khai gần 2.000 xét nghiệm. Năm 2021, Bệnh viện trang bị 1 phòng Lab mới đảm bảo an toàn sinh học cấp 2 và đã thực hiện được 130.000 lượt xét nghiệm Covid-19. Hiện chúng tôi đã có thêm 4 dàn máy RT PCR giúp nâng cao năng lực, khả năng xét nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh.

- Dường như quá trình triển khai kỹ thuật tiên tiến này có vẻ thuận lợi, dễ dàng?

+ Thực tế không dễ dàng như vậy. Bởi sau khi triển khai, thời điểm đầu, nguồn hóa chất cho xét nghiệm rất ít. Đặc thù là hóa chất để sử dụng cho xét nghiệm trong ngành y rất khác với hóa chất trong phòng thí nghiệm vì đối tượng của ngành là con người. Hơn nữa, với xét nghiệm triển khai trong sinh học phân tử lại phải được công nhận rộng rãi, về sau áp dụng cho người bệnh mới có độ tin cậy cao. Điều này ảnh hưởng tới quá trình triển khai, thành thục kỹ thuật. Điều may mắn là giai đoạn khó khăn đó không kéo dài. Nhờ sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ, sinh học phân tử mà hóa chất, vật tư dần sẵn có hơn.

Một vấn đề khác được chúng tôi hết sức quan tâm là đảm bảo an toàn trong xét nghiệm. Đặc thù xét nghiệm sinh học phân tử nói chung, RT PCR nói riêng khác nhiều xét nghiệm khác, đối tượng xét nghiệm là những “kẻ thù” vô hình, không nhìn thấy, không nắm bắt được, nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, việc xây dựng quy trình an toàn và triệt để tuân thủ quy trình là yêu cầu bắt buộc.

Ngoài ra còn là cái khó khi đưa một kỹ thuật mới vào thực tế khi mà các xét nghiệm truyền thống đã thực hiện, “cắm rễ” từ lâu năm. Bởi thế, chúng tôi phải mở các buổi hội thảo, hướng dẫn, giải thích cho bác sĩ biết sử dụng thành thạo các thao tác... Nhờ tính ưu việt nổi trội mà kỹ thuật này dần được chấp nhận, ứng dụng rộng rãi trong công việc.


Xét nghiệm PCR ở Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Ngoài được coi là kỹ thuật “chìa khóa” trong chẩn đoán Covid-19, RT PCR còn có khả năng ứng dụng rộng trong điều trị các căn bệnh phức tạp khác trong tương lai không?

+ Đây là kỹ thuật tiên tiến của y học hiện đại nên chắc chắn thời gian tới sẽ triển khai trong điều trị nhiều lĩnh vực khác. Ngoài triển khai cho lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm, kỹ thuật này còn được ứng dụng, triển khai với các lĩnh vực huyết học, ung thư, ghép tạng… rất hiệu quả.

Như với ung thư, việc xác định gen trong quá trình điều trị ung thư tế bào đích, giúp giảm chi phí điều trị, tăng hiệu quả trong cả quá trình. Đối với các bệnh về máu, thường phải xác định được nguồn cơn, nguyên nhân để điều trị hiệu quả, trong đó nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là từ các yếu tố di truyền. Mà kỹ thuật RT PCR xét nghiệm gen lại phục vụ đắc lực và thường cho kết quả rất chuẩn xác. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ phát triển về ghép tạng, nên cần có những xét nghiệm để xác định sự hòa hợp của tổ chức, các tạng cho và nhận có phù hợp nhau không.

Không chỉ vậy, nhìn xa hơn, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để y học, để chúng tôi cần "đi trước đón đầu" nghiên cứu phát triển để điều trị, ứng phó các dịch bệnh có khi còn phức tạp, khó hơn trong tương lai.

- Nói tới việc xét nghiệm là làm việc với những kẻ thù vô hình, có lẽ công việc đó đã tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro với kỹ thuật viên, bác sĩ rồi...?

+ Quả thật, ở lĩnh vực của chúng tôi tiếp xúc với nhiều vi sinh vật có lợi nhưng cũng có vô số loại virus vô cùng có hại, mức độ lây nhiễm nhanh, rộng. Mọi người đều ý thức được tầm quan trọng, mức độ nguy cơ. Sơ suất thì không chỉ bản thân mà còn gây nguy hiểm cho đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng.

Vì thế, việc xây dựng quy trình, đảm bảo an toàn sinh học cao là yếu tố mà chúng tôi tuân thủ triệt để. Bởi nếu tuân thủ tốt sẽ không xảy ra sự cố. Đối với cán bộ, nhân viên của khoa, làm xong phải tắm rửa, vệ sinh, khử khuẩn tay, vệ sinh phòng ốc… đã là quy trình cơ bản, công việc thường xuyên phải tuân thủ.  

- Vậy đâu là câu chuyện mà chị và các đồng nghiệp nhớ nhất, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp?

+ Với dịch bệnh, chẩn đoán điều trị, góp sức ngăn chặn dịch bệnh, yếu tố thời gian là then chốt. Đặc biệt với những dịch bệnh như Covid-19, chậm vài giờ mức độ lây lan đã rất lớn rồi. Vì thế chạy đua với thời gian là chuyện bình thường. Có thời điểm dịch phức tạp, chúng tôi, đặc biệt là cán bộ xét nghiệm ở trên viện triền miên cả tháng trời. 2-3 năm gần đây, chúng tôi cơ bản không có cái Tết bình thường như những người khác.

- Công việc vất vả, là bác sĩ nhưng cũng là người phụ nữ trong gia đình, vậy chị làm sao để cân đối cả 2 việc quan trọng này?

+ Nói chung, đối với ngành y, ngay cả các đồng nghiệp nam cũng rất vất vả, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại. Với chúng tôi, làm chuyên môn cần theo kịp tiến độ công việc, đáp ứng nhanh đã trở thành yêu cầu. Nhiều khi vừa về tới nhà lại phải tới viện ngay bởi bệnh nhân cấp cứu đều là trong tình huống khẩn cấp. Mà như thế thì xét nghiệm cũng đồng thời phải theo kịp thời gian, đặc biệt liên quan tới dịch bệnh. Chúng tôi vẫn nói đùa, một ngày có 24h đã bận vậy, dù ngày có 48h cũng lại tiếp tục bận!

Quỹ thời gian thì có hạn, nên đôi khi chúng ta phải chấp nhận. Điều may mắn là chồng và con tôi rất thông cảm và ủng hộ công việc của tôi. Với chúng tôi, nỗ lực chiến đấu với kẻ thù vô hình, góp phần cho sức khỏe cộng đồng là một vinh dự. Con cái thương tôi, chỉ mong công việc của mẹ bớt vài phần vất vả, có thể đi về đúng giờ, có nhiều thời gian hơn với con cái, gia đình!

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

(Baoquangninh.com.vn)

(Lượt đọc: 2222)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ