Banner
Banner dưới menu

Phối hợp nút mạch và phẫu thuật trong điều trị dị dạng mạch máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

(Cập nhật: 12/10/2020)

Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thành công ca điều trị bệnh lý dị dạng tĩnh mạch phức tạp cho bệnh nhân Đồng Văn Kh. (53 tuổi) ở Hải Hậu, Nam Định.


Hình ảnh chụp mạch khối dị dạng tĩnh mạch và hình ảnh khối dị dạng tĩnh mạch trước mổ.

Theo bệnh nhân kể lại, nhiều năm trước, bệnh nhân đã phát hiện một khối mềm vùng thành ngực bên trái. Khối này to chậm tuy nhiên gây đau tức đặc biệt về đêm, khi nằm nghỉ thì khối căng phồng và dễ sờ thấy hơn. Bệnh nhân đã đến khám ở một số bệnh viện ở tỉnh và có kết quả chẩn đoán khác nhau như u mỡ, u bã, u mạch nhưng chưa cơ sở nào nhận điều trị do khối ở sâu và khó xác định. Cùng với đó, các phương pháp điều trị đều phức tạp và tốn kém, trong khi đó điều kiện kinh tế của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn nên bệnh nhân âm thầm chịu đựng trong nhiều năm.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám khi thấy khối u ngày càng to và đau tức nhiều. Qua thăm khám, bác sĩ xác định một khối mềm không rõ gianh giới nằm sâu ở thành ngực, trên da không có biểu hiện tổn thương. Siêu âm cho thấy đây là tổ chức mạch máu có dòng chảy chậm, ấn đầu rò thì xẹp. Các bác sĩ đã chuẩn đoán đây là khối dị dạng tĩnh mạch, chụp cắt lớp cho thấy tổn thương nằm sâu sát xương sườn, chụp mạch xác định đây là búi dị dạng tĩnh mạch giãn lớn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân Kh. bị dị dạng tĩnh mạch thành ngực trái và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ kết hợp tiêm nút tĩnh mạch trước mổ.


Hình ảnh sau khi tiêm keo nút mạch vào khối dị dạng tĩnh mạch trước mổ.

Thực hiện ca phẫu thuật là các bác sĩ Phẫu thuật mạch máu của khoa Ngoại, sau khi được tiêm thuốc nút mạch vào khối dị dạng, bệnh nhân đã được rạch da đường ngang ở thành bên ngực trên khối dị dạng dài 8cm, phẫu tích vạt da rộng rãi, di động bờ trước cơ lưng to và bờ dưới cơ ngực lớn, cắt bờ trước cơ răng trước lật vạt cơ từ trước ra sau bộc lộ hoàn toàn khối dị dạng mạch, đó là khối tĩnh mạch giãn to kích thước 6 x 8 cm nằm sau cơ răng trước và bên ngoài các xương sườn từ số 4 đến số 6. Khối dị dạng được cắt bỏ hoàn toàn, không chảy máu trong mổ. Sau mổ bệnh nhân đau nhẹ, vết mổ còn nề ngày đầu nhưng sau đó liền tốt, rút dẫn lưu ngày thứ 5 sau mổ.


Khối dị dạng được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh bóc tách gọn gàng.

Bác sĩ Hùng - trưởng khoa Ngoại cho biết: “Với các trường hợp dị dạng động tĩnh mạch, cần nút mạch trước mổ để hạn chế mất máu trong mổ, trong trường hợp này đã xác định đây là khối dị dạng mạch dòng chảy thấp hay dị dạng tĩnh mạch nên việc nút mạch có thể là chưa cần thiết, nhưng để xác định rõ gianh giới khối dị dạng giúp cho ca mổ triệt để và hạn chế chảy máu chúng tôi đã tiêm keo Histoacryl vào khối dị dạng , thực tế sau khi tiêm 4ml keo thì khối này trở nên cứng hơn và dễ dàng xác định được gianh giới bằng sờ nắn trong mổ. Ca phẫu thuật này chúng tôi cắt bỏ hoàn toàn cả khối dị dạng nên khả năng khỏi bệnh hoàn toàn rất cao, bệnh nhân rất vui vì đã được phẫu thuật thành công sau nhiều năm chịu đựng căn bệnh này”.


Kích thước khối dị dạng được các bác sĩ lấy ra sau phẫu thuật.

Dị dạng tĩnh mạch (VM) là loại dị dạng mạch máu phổ biến nhất chiếm đến 75% , đây là loại tổn thương bẩm sinh do sai sót trong quá trình hình thành mạch máu. Dị dạng mạch máu được chia thành 2 loại: Các khối u mạch (vỏ khối u là các tế bào nội mô) và dị dạng mạch máu (bất thường cấu trúc mạch). Theo phân loại của Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu dị dạng mạch máu (ISSVA), dị dạng mạch máu được phân loại thêm dựa trên loại dòng chảy và chức năng của mạch như dị dạng động mạch, tĩnh mạch, mao mạch, bạch huyết hoặc kết hợp, trong đó dị dạng tĩnh mạch (VM) là loại dị dạng mạch máu phổ biến nhất, chiếm hơn 75% các dị dạng mạch máu. VM thường xuất hiện ngay từ lúc mới sinh và tồn tại và tiến triển trong suốt cuộc đời. Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, trong đó các vùng hay gặp nhất là tứ chi (40%), đầu và cổ (40%), và thân mình (20%). Các biểu hiện lâm sàng của VM thay đổi tùy theo kích thước và vị trí của khối dị dạng thường biểu hiện là một khối mềm to dần theo năm tháng và có thể gây đau. Do sự đa dạng này nên việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, đặc biệt là cho các khối dị dạng mạch lớn luôn là một thách thức vì tỉ lệ tái phát rất cao.

Dị dạng tĩnh mạch ở thân mình thường có biểu hiện sưng, đau, biến dạng cơ thể và hạn chế một số tư thế, trong trường hợp bệnh nhân này, khối sưng và đau nhiều về đêm cho thấy bệnh cần phải điều trị. Đau liên quan đến VM có thể do một số yếu tố gây ra như xâm lấn tổ chức, tắc mạch hay căng giãn mạch, các khám trước mổ không cho thấy dấu hiệu của huyết khối hoặc xâm lấn cơ hoặc xương, vậy có thể coi sự giãn nở lớn của các tĩnh mạch là nguyên nhân gây ra cơn đau cho bệnh nhân. Chẩn đoán bệnh dựa vào siêu âm dopler, chụp mạch hoặc chụp cộng hưởng từ vùng tổn thương.

Điều trị dị dạng mạch phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, hiện nay có nhiều phương án được áp dụng do  biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng. Do đó, các bác sĩ lâm sàng thường gặp khó khăn trong việc xác định liệu pháp điều trị thích hợp, đặc biệt trong những trường hợp tổn thương lớn, lan rộng. Việc điều trị cần tiếp cận đa chuyên khoa, bao gồm bác sĩ điện quang can thiệp, phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật mạch máu.

Trường hợp dị dạng nhỏ có thể sử dụng liệu pháp bảo tồn hoặc nén ép bằng quần áo co giãn nếu tổn thương nhỏ và gây ra các triệu chứng tối thiểu, nhưng hầu hết các bệnh nhân sẽ không đỡ và sẽ cần điều trị tiếp.

Trong những năm gần đây, liệu pháp xơ hóa đã trở thành biện pháp hàng đầu cho bệnh lý này. Bệnh nhân VM sẽ được tiêm cồn tuyệt đối hoặc chất gây xơ vào khối dị dạng dưới hướng dẫn của siêu âm hay DSA với mục đích phá hủy lớp nội mạc của mạch máu, qua đó làm giảm kích thước cũng như giảm triệu chứng của khối dị dạng. Các nghiên cứu cho thấy tiêm xơ có hiệu quả ở những bệnh nhân có VM nhỏ và ứ đọng chất gây xơ tốt.

Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn đóng một vai trò quan trọng trong một số trường hợp nhằm điều trị bệnh triệt để; chỉ định trong các trường hợp tổn thương rõ ràng trên chụp mạch hoặc MRI, với mục tiêu cắt bỏ hoàn toàn tổn thương để ngăn ngừa tái phát. Việc phẫu thuật cũng cân nhắc vì các dị dạng mạch thường xâm lấn vào cơ xương nên việc cắt bỏ hoàn toàn có khi sẽ để lại di chứng. Trong trường hợp này dù khối dị dạng nằm sâu dưới cơ nhưng có ranh giới rõ chưa xâm lấn vào cơ và xương sườn nên sau khi cắt bỏ không ảnh hưởng đến chức năng./.

Phòng TT&HCQT

(Lượt đọc: 3233)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ