Banner
Banner dưới menu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh

(Cập nhật: 23/11/2021)

Kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực Châu Á. Tình trạng kháng kháng sinh đã được ghi nhận gia tăng ở nhiều tuyến y tế trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho công tác điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng gia tăng như tình trạng chung ở các tuyến bệnh viện trong cả nước. Trong số đó, có tỷ lệ không nhỏ các bệnh lý nhiễm trùng gồm cả nhiễm trùng từ cộng đồng và nhiễm trùng bệnh viện.


Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng từ các tuyến điều trị.

Khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo của Bệnh viện là khoa tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nặng từ các tuyến chuyển về (trung tâm y tế, bệnh viện trung ương), vì vậy khoa có nhiều trường hợp bệnh nhân bị kháng kháng sinh, gây khó khăn cho điều trị. Như trường hợp của nam bệnh nhân (75 tuổi) ở phường Cao Thắng, TP. Hạ Long, đến viện trong tình trạng khó thở, tím môi, đầu chi, khạc nhiều đờm đục, kết quả chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh viêm phổi phải lan tỏa. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi cộng đồng trên nền tăng huyết áp.

Bệnh nhân đã khai báo y tế không có yếu tố dịch tễ và được thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trước khi vào viện điều trị. Qua khai thác, gia đình cho biết bệnh nhân trước đó có tình trạng ho sốt, khó thở, đã tự mua thuốc uống 2 tuần không khỏi, tình trạng ngày càng xấu đi. Bệnh nhân được cấy đờm, làm kháng sinh đồ để xác định độ nhạy của các loại kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh. Kết quả kháng sinh đồ của bệnh nhân này là vi khuẩn cộng đồng đa kháng kháng sinh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Thắng – Phó Trưởng khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Chúng tôi phát hiện bệnh nhân này nhiễm loại vi khuẩn kháng kháng sinh là Klebshiealla pneumoniea, là loại kháng hầu hết các loại kháng sinh. Tuy nhiên, rất may bệnh nhân vẫn còn nhạy với vài loại, vì vậy chúng tôi đã hội chẩn liên khoa Dược, Hồi sức, Bệnh nhiệt đới để đưa ra phương án điều trị, sử dụng loại kháng sinh điều trị vi khuẩn đa kháng thuốc. Sau 2 tuần, tình trạng bệnh nhân ổn định”.


Kháng sinh đồ của nam bệnh nhân 75 tuổi là vi khuẩn cộng đồng đa kháng kháng sinh.

Một trường hợp khác điều trị tại khoa Hồi sức tích cực là bệnh nhân 59 tuổi ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long. Bệnh nhân vào viện với chẩn đoán viêm màng não, đã điều trị 2 tuần tại bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng hôn mê, thở máy qua canuyn mở khí quản, sốt liên tục, đờm đục. Bệnh nhân được cấy đờm với kết quả kháng sinh đồ ra vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc (Acinetobacter bauumanii), kháng tất cả các loại kháng sinh. “Với trường hợp này, sẽ không có loại kháng sinh nào có giá trị để sử dụng cho bệnh nhân. Đây thật sự là thách thức điều trị đối với chúng tôi”, bác sĩ Thắng khẳng định.


Kháng sinh đồ của bệnh nhân 59 tuổi cho kết quả kháng tất cả các loại kháng sinh.

Hiện nay, tình trạng tự ý mua kháng sinh tại quầy thuốc để điều trị của người dân đáng báo động. Khi dùng kháng sinh không đúng, không phù hợp sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc. Đặc biệt với những người mắc bệnh lý mãn tính, già yếu thì việc tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều lần sẽ càng dễ gây tình trạng kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, tình trạng kháng kháng sinh còn do sự lây chéo vi khuẩn kháng kháng sinh trong bệnh viện, thường gặp nhất là ở những bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại nhiều tuyến y tế khác nhau.

“Khi gặp vi khuẩn kháng thuốc sẽ rất khó khăn cho bác sĩ khi phải lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp. Các bác sĩ phải sử dụng các loại thuốc thế hệ mới, tốn kém hơn, hoặc phải phối hợp nhiều loại thuốc trong quá trình điều trị. Lúc đó cơ hội điều trị cho người bệnh khó hơn, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh”, bác sĩ Thắng cho hay.

Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Điều này làm bệnh có nguy cơ tiến triển nặng lên, thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị tốn kém, thậm chí có thể tử vong. Việc lạm dụng kháng sinh còn có thể gây tổn thương gan, thận; làm gia tăng bệnh hen suyễn, dị ứng; tăng nguy cơ gây rối loạn vi khuẩn đường ruột do việc sử dụng kháng sinh dài làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Lạm dụng kháng sinh còn tạo các vi khuẩn kháng thuốc.


Bệnh viện ĐK tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về công tác dược lâm sàng.

Dược sĩ CKI Đàm Thị Lâm, Phó trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Trước thực trạng này, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thành lập ban quản lý sử dụng kháng sinh và xây dựng các quy định về quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; liên tục tập huấn đào tạo và tham dự hội thảo về sử dụng kháng sinh an toàn hợp lý. Bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình trạng lạm dụng kháng sinh, sự nguy hiểm của kháng kháng sinh đến đội ngũ bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các bác sĩ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Cùng với đó, bệnh viện đã xây dựng danh mục kháng sinh cần hạn chế sử dụng hay cần phê duyệt trước khi sử dụng, quy trình và phiếu yêu cầu kê đơn kháng sinh, hướng dẫn dùng kháng sinh theo quy định. Đồng thời xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Thực hiện giám sát việc kê đơn kháng sinh trong toa thuốc của bác sĩ, nghiên cứu phân tích tình hình sử dụng kháng sinh tại các khoa lâm sàng”.


Thông tin dược, thống kê số lượng toa thuốc được tích hợp hiển thị chi tiết trên bảng báo cáo hoạt động của bệnh viện.

Hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế thế giới phát động từ ngày 18 – 24/11 với chủ đề năm 2021 “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng kháng sinh, kê thuốc đúng loại bệnh và dùng đủ liều lượng, đủ thời gian. Khi có bất thường về sức khỏe, người dân không tự mua kháng sinh sử dụng, khi mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để khám và bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, người dân không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước hay chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình cho người khác. Cần phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh./.

Phòng TT & HCQT

 

(Lượt đọc: 2560)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ