Banner
Banner dưới menu

Hồi sinh ngoạn mục bệnh nhân sốc tim ngừng tuần hoàn bằng kỹ thuật ECMO

(Cập nhật: 15/10/2019)

Đột ngột suy hô hấp, ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp gây biến chứng sốc tim nguy kịch, tính mạng của bà Trần Thị L. rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Song nhờ kịp thời ứng dụng kỹ thuật ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) đúng thời điểm, cùng sự phối hợp cấp cứu nhịp nhàng của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã giúp bệnh nhân hồi sinh ngoạn mục trong niềm hạnh phúc của người thân và gia đình.

Bệnh nhân là bà Trần Thị L. (78 tuổi) trú tại TP Cẩm Phả, ở nhà bị đau tức ngực trái, khó thở, có lúc co giật, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ. Hôm sau, tình trạng khó thở nhiều hơn gia đình mới đưa vào cơ sở y tế tuyến dưới cấp cứu nhưng diễn biến bệnh ngày càng xấu đi nên được chuyển Bệnh viện tỉnh trong tình trạng khó thở nhiều, tím môi và đầu chi, kích thích, ý thức lơ mơ, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp phải duy trì 2 thuốc vận mạch trợ tim liều cao. Kíp cấp cứu lập tức đặt ống nội khí quản, thở máy với oxy tối đa và chuyển thẳng khoa Hồi sức tích cực.


Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực với hệ thống trao đổi oxy ngoài màng cơ thể (ECMO).

Chỉ trong phút chốc, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, da tái lạnh, có nhiều bọt hồng qua ống nội khí quản, rối loạn nhịp tim và đột ngột lên cơn rung thất. Ngay lập tức, các bác sĩ, điều dưỡng viên khoa Hồi sức tích cực khẩn trương thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, nỗ lực kiên trì thay nhau liên tục ép tim, bóp bóng và sốc điện. Sau 30 phút cấp cứu có tuần hoàn tái lập, tuy nhiên bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, thở máy, duy trì 3 thuốc vận mạch trợ tim liều tối đa. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, có ngừng tuần hoàn.

Trước tình trạng tối khẩn cấp, khoa Hồi sức tích cực khẩn trương hội chẩn lãnh đạo bệnh viện, chuyên khoa Tim mạch can thiệp và phẫu thuật mạch máu thống nhất chỉ định áp dụng kỹ thuật ECMO - VA (hệ thống tim phổi nhân tạo phương thức hỗ trợ tuần hoàn). Bệnh nhân được thiết lập đường vào mạch máu qua động mạch và tĩnh mạch đùi phải dưới sự hỗ trợ của bác sĩ phẫu thuật mạch máu giàu kinh nghiệm, đồng thời kết hợp dùng thuốc vận mạnh liều cao để kiểm soát tuần hoàn ổn định, hy vong giành được cơ hội sống với “tử thần”. Ngay sau đó, bệnh nhân vừa chạy ECMO vừa được chuyển sang phòng can thiệp chụp mạch vành cấp cứu, phát hiện bà L. bị tổn thương phức tạp 3 thân động mạch vành. Kíp bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp đã tiến hành nong bóng, đặt 2 stent động mạch mũ và động mạch vành phải để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương.

Trong quá trình chạy ECMO, bệnh nhân luôn trong tình trạng đe dọa tử vong, biến chứng suy đa tạng, chảy máu chân canule, chảy máu sau phúc mạc, siêu âm tim đo EF chỉ còn 25%. Tuy nhiên nhờ sự theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các chỉ số 24/24 giờ của đội ngũ nhân viên y tế và sự phối hợp nhiều biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy, lọc máu liên tục, sử dụng thuốc vận mạnh, kiểm soát huyết động, kiểm soát các rối loạn đông máu… đã giúp bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Sau 3 ngày, bệnh nhân chuyển biến tốt hơn, chức năng tim phổi dần phục hồi và được dừng chạy ECMO. Sau gần 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, ngừng thở máy và rút ống nội khí quản, tự thở tốt, nói chuyện tiếp xúc, ăn uống bình thường, phục hồi vận động và không để lại di chứng về thần kinh.


Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được huy động để đưa bệnh nhân cùng hệ thống ECMO sang phòng can thiệp mạch.

Trực tiếp tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, Ths.Bs Hà Mạnh Hùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chống độc – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trường hợp bệnh nhân L. diễn biến bệnh cấp tính, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn. Mặc dù đã được thở máy và dùng các thuốc vận mạch, trợ tim liều tối đa nhưng do chức năng tim phổi suy giảm nghiêm trọng không thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp oxy máu cho cơ thể, vì vậy chúng tôi đã quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO VA nhằm hỗ trợ tuần hoàn cho người bệnh. Máu trong cơ thể ra từ tĩnh mạch đùi phải qua màng lọc có chức năng trao đổi khí và trả lại về động mạch nhờ hệ thống bơm li tâm (vừa hút, vừa đẩy), quá trình chạy sẽ điều chỉnh cung lượng tim theo mục tiêu điều trị. Nếu không được hỗ trợ bằng phương pháp ECMO kịp thời, đúng thời điểm thì bà L. sẽ khó qua khỏi. Đây là một kỹ thuật hồi sức tiên tiến nhất hiện nay, là tia hy vọng cuối cùng để có thể mang lại sự sống cho người bệnh “thập tử nhất sinh” và nhờ kỹ thuật này chúng tôi đã biến điều không thể thành có thể, đưa ca bệnh tưởng chừng hết hy vọng lại phục hồi ngoạn mục ngoài mong đợi”.

Để triển khai kỹ thuật này, đòi hỏi cơ sở y tế phải có sự phát triển đồng đều ở tất cả các chuyên khoa, cũng như hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mới có thể vận hành thuần thục. Hơn nữa, trường hợp của bệnh nhân L. được đánh giá là khó khăn ngay cả với tuyến trung ương bởi bệnh nhân vào viện muộn, tình trạng diễn biến cấp tính, biến chứng rất nặng. Vì vậy, việc hồi sinh thành công trường hợp nguy kịch ngừng tuần hoàn, suy hô hấp như bênh nhân L. đã chứng minh hiệu quả “kỳ diệu” từ phương pháp này, đồng thời khẳng định sự vững vàng trong trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, sự bản lĩnh, kinh nghiệm nhạy bén trong ứng biến tình huống nguy cấp cùng sự hỗ trợ chặt chẽ, đắc lực của nhiều chuyên khoa đã mang lại kỳ tích này. Đây cũng là ca đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cứu sống thành công bằng hệ thống ECMO.


Bệnh nhân sốc tim, ngừng tuần hoàn phục hồi tích cực sau khi chạy ECMO đang được nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt.

Ths.Bs Đặng Thị Thúy – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhấn mạnh: “ECMO là phương án cuối cùng để có thể cứu sống được người bệnh có nguy cơ tử vong kề cận. Kỹ thuật này còn gọi là phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, sử dụng vòng tuần hoàn và trao đổi khí bên ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng sống tạm thời cho bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng trong khi chờ cơ quan tim phổi bị tổn thương hồi phục. Đây là kỹ thuật cao, chuyên sâu phức tạp trong chuyên ngành hồi sức được ứng dụng chủ yếu tại các bệnh viện tuyến trung ương và rất ít bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thành công. Với mong muốn nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm triển khai kỹ thuật này tại khoa Hồi sức tích cực với những kết quả bước đầu khả quan”.

Việc triển khai thành công kỹ thuật ECMO đã đánh dấu bước đột phá lớn trong lĩnh vực Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và của ngành Y tế Quảng Ninh nói chung, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân suy hô hấp và suy tuần hoàn nặng trên địa bàn tỉnh không thể chuyển lên tuyến trung ương mà vẫn được điều trị bằng các kỹ thuật, trang thiết bị đồng bộ hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới, qua đó ngày càng khẳng định hơn nữa thương hiệu của cơ sở y tế tuyến cuối tỉnh./.

Hà Trang

(Lượt đọc: 5155)

Tin tức liên quan

  • Trang thông tin SYT
  • Đường dây nóng
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Hình ảnh hoạt động
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Bộ Y Tế
    • Bất Động Sản
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm y tế Hạ Long
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều
    • Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
    • Bệnh viện 108
    • Trung tâm DI & ADR quốc gia
    • Bệnh viện Bạch Mai
    • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
    • Bệnh viện Việt Đức
    • Sở Y tế tỉnh Phú Thọ